𝗧𝗘̂́𝗧 𝟯 𝗠𝗜𝗘̂̀𝗡
Mỗi vùng miền trên đất nước Việt Nam đều có những phong tục đón Tết riêng, điều này từ lâu đã trở thành nét đẹp văn hoá đặc trưng của mỗi nơi. Chính sự đa dạng, phong phú đó đã tạo nên những giá trị truyền thống cốt lõi trong tâm hồn, bản sắc người Việt. Hãy cùng Quà Tết Phương Namtìm hiểu những điểm đặc trưng trong cách đón Tết của người dân ba miền Bắc, Trung, Nam nhé:
𝗠𝗶𝗲̂̀𝗻 𝗕𝗮̆́𝗰
Tết đến xuân về, giữa tiết trời se lạnh, miền Bắc khoác lên mình sắc hồng của những cành đào tươi thắm, dòng người đông đúc tập nập hoà vào chợ hoa, tạo nên một khung cảnh ấm áp. Theo quan niệm lâu đời, hoa đào tượng trưng cho sự may mắn, cho một năm mới an lành, cho nên nhà nhà người người đều muốn chọn một cành đào ưng ý với mong ước hạnh phúc cho gia đình, người thân.
Mâm cơm của người miền Bắc vào dịp Tết cũng có đặc trưng riêng với các món ăn: Thịt đông, gà luộc, giò lụa, cá kho riềng, bánh chưng. Bánh chưng dẻo, béo ngậy nhân đậu xanh, thịt mỡ ăn kèm với dưa hành giòn giòn, chua chua, cay nhẹ thật đúng vị. Khi khách đến thăm nhà, món nem rán thơm lừng thường được dọn ra như là món quà thể hiện sự mến khách.
𝗠𝗶𝗲̂̀𝗻 𝗧𝗿𝘂𝗻𝗴
Miền Trung quanh năm bão lũ, đất đai cằn cỗi, thời điểm Tết đến cũng chính là lúc mọi người vừa khắc phục xong thiệt hại từ thiên tai. Khó khăn là thế nhưng người miền Trung lại rất chăm chút cho từng mâm cổ với những món ăn đặc trưng vốn có của vùng. Nổi bật nhất trong mâm cỗ ngày Tết của người miền Trung là thói quen ăn các món cuốn. Khi thì cuốn thịt luộc, khi lại cuốn tai heo… kèm theo đó là đủ các loại rau, chấm cùng với mắm nêm đậm đà tự làm nữa là ngon số một. Để cho đỡ ngán, người miền Trung chuẩn bị thêm trên mâm cỗ nem chua, thịt giấm nhằm kích thích vị giác.
Cầu kỳ trong từng món ăn là vậy thế nhưng người miền Trung lại rất đơn giản trong việc trang trí ngày Tết. Vào những ngày cận kề Tết, đường phố, làng xóm bắt đầu rực rỡ sắc màu với hoa cúc, hoa vạn thọ, hoa giấy. Vì miền Trung có sự giao thoa văn hóa giữa hai miền Nam – Bắc, thế nên đối với người miền Trung có hoa đào thì trưng hoa hòa, có cành mai thì cắm hai bên lối đi vào nhà.
𝗠𝗶𝗲̂̀𝗻 𝗡𝗮𝗺
Mảnh đất Nam Bộ màu mỡ đã ban tặng cho con người nhiều sản vật và làm phong phú thêm mâm cỗ ngày Tết. Từ thịt hầm, gỏi ngó sen, gà luộc xé phay trộn củ hành đến bánh tét ăn kèm dưa giá, tôm khô củ kiệu. Đặc biệt, hầu như khắp nơi ở đất phương Nam, nhà nào cũng có nồi thịt kho tàu ăn với dưa giá và canh khổ qua. Hai món này luôn có trong mâm cơm cúng ông bà ngày 30 Tết. Theo dân gian thì “khổ qua” là món ăn để mong ước sự cơ cực qua đi cho năm mới tốt đẹp hơn.
Khác với cái lạnh se sắt ở miền Bắc, Nam Bộ đón Tết trong tiết trời ấm áp cùng cành mai vàng kiêu hãnh trong ánh nắng xuân. Người dân Nam bộ xem hoa mai như biểu tượng của sự trường thọ và ngũ phúc (phước, lộc, thọ, khang, ninh). Nhà nhà những ngày này không sắm được chậu mai lớn để trước cửa không thì cũng phải mua vài cành bé xinh xinh rồi dán cả hoa giấy trang trí khắp tường, cửa thì mới thấy được không khí Tết.
Cho dù có những nét khác biệt trong cách đón xuân, đón Tết thì người Việt Nam vẫn luôn quan niệm Tết là dịp lễ để tri ân người thân, bạn bè, đồng nghiệp đã gắn bó, đồng hành cùng mình trong một năm vừa qua. Chính vì lẽ đó, Tết là dịp mà mọi người tất bật chuẩn bị những món quà chân thành nhất để gửi gắm đến những người quan trọng xung quanh mình. Hãy cùng Quà Tết Phương Nam chuẩn bị món quà tinh tế, mang đậm bản sắc văn hoá Việt Nam dành tặng cho gia đình, bạn bè, đồng nghiệp, đối tác trước thềm Xuân 2023 nào!